Móng bè là gì?
Móng bè là một loại móng nông, là kết cấu móng toàn diện ở dưới cùng của một công trình xây dựng, đảm nhận chức năng truyền tải trọng của công trình xuống nền đất, đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ công trình.
Móng bè thường được sử dụng cho những ngôi nhà có tầng hầm hoặc bán hầm, âm xuống nền đất ở những nơi có nền đất yếu, phù hợp cho những công trình có kết cấu chịu lực cao, công trình nhà ở cao tầng.
Móng bè được đánh giá là loại móng an toàn và được áp dụng phổ biến bởi nó là một phương pháp an toàn và có hiệu quả cao trong việc phân bố đều về trọng lượng, giúp tránh hiện tượng sụt lún.
Cấu tạo móng bè
Cấu tạo của móng bè bao gồm nhiều lớp như sau:
Lớp bê tông lót móng: Đối với những công trình dân dụng thì có độ dày trung bình 100mm, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào thiết kế.
Dầm móng: có thích thước khoảng 300x700mn
Thép dầm móng: thường sử dụng thép dọc 6Φ(18-20-22), thép đai Φ8a150.
Thép bản móng: Đi 2 lớp thép tiêu chuẩn Φ12a200.
Chiều cao bản móng phổ thông: 200mm.
Phân loại móng bè
Móng bè bao gồm 4 dạng cơ bản:
- Dạng bản phẳng: là loại móng bè phổ biến nhất hiện nay, có trọng tải khoảng 1.000 tấn/cột.
- Dạng có dầm sườn: có cấu tạo theo 2 kiểu sườn là sườn nằm dưới có tiết diện hình thang, ưu điểm của dạng này là chống trơn trượt tốt và có chiều hướng gia tăng.
- Dạng sàn nấm: dạng này có hình bản vòm ngược. Với những công trình yêu cầu về độ chịu uốn lớn thì đây là loại móng phù hợp nhất.
- Dạng hộp: được phân bố đều trên đất, dạng này có kết cấu khung chịu lực tốt, độ cứng lớn nhưng trọng lượng khá nhẹ nên thường được sử dụng cho những ngôi nhà 2 tầng.
Khi nào chúng ta lựa chọn thi công móng bè
Với những công trình dân dụng, nếu như không có kết cấu bên dưới như tầng hầm, tầng bán hầm thì không nhất thiết phải lựa chọn thi công móng bè bởi chi phí thi công loại móng này khá tốn kém. Với những công trình không ép được cọc do ảnh hưởng của nền đất hoặc nhà xung quanh cũng như các loại móng khác không đủ tải thì ta mới sử dụng móng bè.
Tính toán kết cấu thi công móng bè
Để tính toán kết cấu của móng bè, ta cần tính dựa trên kích thước xây dựng thực tế. Với công trình xây dựng có kích thước 10mx4m và nặng 100 tấn thì độ chịu lực của móng bè được tính theo công thức: Trọng lượng công trình/Diện tích công trình = 100 tấn/40m=2,5 tấn.
Qua những tính toán trên ta có được kết cấu xây dựng móng bè có thể chịu lực lên đến 2,5 tấn/m2. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng khu vực, vị trí cũng như những đặc tính riêng của những khu vực đó mà kết cấu móng có sự thay đổi để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối cho cả công trình cũng như tối ưu chi phí xây dựng.
Quy trình thi công móng bè
Quy trình thi công móng bè chuẩn kỹ thuật bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Công tác chuẩn bị thi công móng bè
Trước khi tiến hành các biện pháp thi công móng bè thì chúng ta phải thực hiện công tác chuẩn bị. Trong công tác chuẩn bị bao gồm:
- Chuẩn bị mặt bằng thi công: giải phóng và san lấp mặt bằng.
- Chuẩn bị nguyên vật liệu cũng như các loại máy móc thiết bị khi xây dựng.
Bước 2: Đào đất hố móng
Tiến hành đào hố móng theo đúng bản vẽ thiết kế, với móng bè thì chúng ta đào toàn bộ diện tích đất bản vẽ quy định. Đối với công trình có nền đất yếu thì phải gia cố nền đất trước khi đào hố móng. Khi đào hố móng bên cạnh những công trình khác hoặc đào sâu hơn mặt móng của những công trình đang sử dụng phải tiến hành theo đúng quy trình, công nghệ trong thiết kế thi công, phải có biện pháp chống sạt lở, lún và chống biến dạng những công trình lân cận. Sau khi đào đất cần dọn sạch hố móng và đầm lớp đất móng để đạt được độ chặt yêu cầu.
Lưu ý: Trước khi đào đất hố móng phải xây dựng hệ thống công tác tiêu nước bề mặt và nước ngầm.
Bước 3. Đổ bê tông lót
Với mục đích làm mặt bằng để thi công các cấu kiện bên trên, chống mất nước xi măng của lớp bê tông móng. giúp nền đất không bị biến dạng do tác động bên ngoài. Mác bê tông lót phải được tính toán theo điều kiện và yêu cầu của công trường, thường là bê tông mác 50 – 150.
Bước 4: Lắp đặt con kê
Chiều dày con kê bằng chiều dày lớp bê tông bảo vệ móng do thiết kế quy định, con kê có tác dụng tạo ra lớp bê tông bảo vệ các lớp thép, giúp lớp thép tránh được các xâm thực do môi trường bên ngoài, đồng thời đảm bảo sự làm việc tốt nhất của cốt thép bê tông. Đối với móng, chiều dày lớp bê tông bảo vệ khoảng 3-5cm
Bước 5 Lắp đặt cốt thép
- Đối với móng bè xét theo ô sàn thì thép lớp dưới lắp đặt theo phương cạnh ngắn trước, thép móng lớp dưới là thép chịu lực, đường kính, khoảng cách theo yêu cầu của bản vẽ thiết kế thường là d10-d20, khoảng cách từ a70-a200. Chiều dài nối thép và neo thép vào dầm tối thiểu 30d. Vùng nối thép là cùng chịu nén khoảng 2/4 vùng giữ nhịp, số lượng mối nối không quá 50% số lượng thép trên 1 mặt cắt ngang.
- Lắp đặt thép móng lớp dưới theo phương cạnh dài, đường kính, khoảng cách theo yêu cầu của bản thiết kế. Quy định về chiều dài neo, nối tương tự như thép phương cạnh ngắn. Liên kết thép phương cạnh dài và phương cạnh ngắn bằng mối nối buộc. Số lượng mối nối buộc tối thiểu 50% điểm giao nhau của thép 2 phương.
- Lắp đặt thép dầm dọc, đường kính số lượng theo yêu cầu tính toán trong bản vẽ thiết kế nhưng đường kính thép không > 1/10 bề rộng dầm. Bố trí thép phải đảm bảo quy định về khoảng cách thông thủy. Chiều dài nối, neo thép dầm > 30d, không nối trong vùng chịu kéo và chỗ uốn cong.
- Lắp dựng thép dầm ngang đường kính, số lượng theo yêu cầu thiết kế. quy định về neo, nối tương tự thép dầm dọc
- Lắp đặt thép gối giúp nâng đỡ lớp thép trên của móng, giữ cho lớp thép trên đúng vị trí của thiết kế, không bị biến dạng trong quá trình thi công
- Lắp đặt thép lớp trên theo phương cạnh dài, đường kính khoảng cách theo yêu cầu, tính toán của bản thiết kế. Chiều dài neo vào dầm tối thiểu 15d, chiều dài mối nối tối thiểu là 30d. Đối với thép lớp trên của móng, vùng nối là vùng ¼ nhịp tại gối.
- Lắp đặt thép móng lớp trên theo phương cạnh ngắn theo yêu cầu của thiết kế. Các quy định về neo, nối tương tự thép phương cạnh dài.
- Lắp dựng thép cột theo yêu cầu của bản thiết kế. Chiều dài thép cột neo vào dầm và chiều dài mối nối tối thiểu 30d. Số lượng vị trí chờ phụ thuộc vào số lượng thanh thép ở mỗi mặt cột.
Lưu ý khi đặt thép móng bè
Khi mà lực tác động lên móng có phản lực từ đất và tải trọng của công trình truyền xuống. Khi trải trọng từ công trình truyền xuống thì bản móng có xu hướng là bẻ cong lên trên, nếu không có lớp thép bên dưới bản móng sẽ bị vỡ nên lớp thép bên dưới là lớp thép chịu lực chính.
Còn khi mà phản lực từ đất tác động lên thì bản móng có xu hướng bẻ cong xuống thì lớp thép trên sẽ là thép chịu lực chính, ngược lại so với lớp thép dưới. Hiện tại để cho dễ thi công người ta sẽ bố trí 2 lớp thép song song với nhau.
Bước 6. Lắp dựng ván khuôn và đổ bê tông móng
Bước 7: Nghiệm thu và bảo dưỡng móng
Sau khi đổ bê tông móng cần giữ ẩm và tưới nước thường xuyên để đảm bảo độ ẩm tiêu chuẩn cho đến khi bê tông kết dính chắc chắn và đạt đủ ngày.
Trên đây là móng bè và cấu tạo, kết cấu cũng như quy trình thi công móng bè chuẩn kỹ thuật. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp giúp bạn hiểu rõ về móng bè cũng như các phương án thi công loại móng này nhé. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong những phút vừa qua