Chiều 21/7, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô).
Việc tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô nhằm tổ chức, phân bổ, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Tại hội nghị, ông Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội – nêu các vấn đề cần nghiên cứu điều chỉnh trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô như: Nghiên cứu, dự báo phát triển kinh tế – xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô; nghiên cứu, rà soát định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số phù hợp với thành phố trong thành phố; nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô thị trung tâm trong chùm đô thị Thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô.
Ngoài ra, xem xét lại tỷ trọng cơ cấu khu vực đất phát triển đô thị và nông thôn; rà soát để xác định lại mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh; phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông nhằm khai thác quỹ đất; nghiên cứu hoàn chỉnh kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị…
Trình bày tóm tắt một số ý tưởng Quy hoạch Thủ đô , đại điện liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết, quy hoạch xác định đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, “Xanh – Thông minh – Thịnh vượng” và là thành phố kết nối toàn cầu.
Đại diện liên danh tư vấn cũng nêu các ý tưởng về nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ và khu kiến trúc Pháp; cải tạo chỉnh trang các khu phố cũ, chung cư cũ; phát triển các trục đô thị hướng tâm kết nối với đô thị vệ tinh và trung tâm vùng; quy hoạch giao thông đường sắt; quy hoạch giao thông đường bộ đô thị; quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng; quy hoạch con đường di sản văn hoá; quy hoạch khai thác các di sản văn hoá lịch sử theo cơ chế PPP; quy hoạch thành phố khoa học, thành phố du lịch – văn hoá và thành phố thu hút giới tinh hoa cùng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Quy hoạch.
GS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – nhấn mạnh, Hà Nội đang đứng trước cơ hội “khác thường” khi lập cả Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng thời điểm. Hội thảo được UBND TP tổ chức hôm nay đã thể hiện quyết tâm của thành phố để không bỏ lỡ cơ hội định hướng phát triển trong thời đại mới với sứ mệnh tạo hình mẫu, dẫn dắt cả nước.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố đang trong thời điểm quan trọng bởi đang triển khai đồng bộ 3 nội dung: Tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025; tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với thời gian rất gấp.
Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương… để thấy nội dung hội nghị hôm nay có khối lượng công việc rất lớn để hoàn thành cả 3 nội dung nêu trên với thời gian không còn nhiều.
“Đây là cơ hội hiếm để mỗi đồng chí lãnh đạo sở, ngành, địa phương các cán bộ tại mỗi đơn vị cơ hội để cống hiến cho Thủ đô, cho 3 nội dung có tầm lâu dài đến sự định hình phát triển Thủ đô trong tương lai”, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Thanh mong muốn lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hết sức trách nhiệm, tổ chức các công việc còn lại để các nhà tư vấn cụ thể hóa trong các nội dung đang triển khai.
Tiền Phong